Ông cha nhà quê và những cú xẻ đường vòng

10 năm linh mục là quãng thời gian cha Giuse Vũ Văn Trường - chánh xứ Lợi Hà, giáo phận Xuân Lộc - âm thầm chăm lo cho đoàn chiên. Chia sẻ về vị chủ chăn giàu lòng nhân ái này, ông Trần Văn Tỉnh, Phó ngoại vụ của giáo xứ nhận xét: “Từ ngày cha về, bộ mặt giáo xứ mang màu sắc tươi mới hơn hẳn”.

Cha Trường và các thành viên HĐMV giáo xứ

Cha Trường và các thành viên HĐMV giáo xứ

“Ra khơi“

Ba tháng sau ngày được thụ phong linh mục, tháng 11.2006, cha về Lợi Hà khi đã ở độ tuổi trung niên (cha sinh năm 1968). Lợi Hà ngày đó trải qua một thời gian dài không có linh mục coi sóc nên ngôi nhà thờ bằng gỗ, mái tôn ngày càng ọp ẹp, nằm chơ vơ giữa khuôn viên lởm chởm đất đá; đời sống đạo thiếu sinh khí, sinh hoạt của các hội đoàn diễn ra lẻ tẻ... Vốn đã tích góp cho mình được những kinh nghiệm mục vụ khi còn giúp xứ, cha nhanh chóng bắt nhịp và sớm thích nghi với chặng đường mới. Bước đầu, cha vực dậy các đoàn thể, phát triển thêm những hội đoàn mới. Nhà thờ xiêu vẹo nay được gia cố lại, khuôn viên được chỉnh trang và biến thành không gian xanh với những hàng cây thẳng tắp… Vùng quê thanh vắng dần dà được khuấy động nhờ đôi bàn tay và trái tim của vị mục tử trẻ đầy nhiệt huyết.

Từ trước đến nay, nước sạch là một nhu cầu bức bối của bà con. Vì là vùng nhiễm phèn nên để có nước sử dụng, có nhà hứng nước mưa, người thì lọc từ nguồn nước dùng để tưới tiêu, số khác mua nước ngọt với giá cao… Suy nghĩ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguyên nhân cho nhiều bệnh tật, nên chỉ ít ngày sau khi về nhận sở, cha cho khoan giếng và lắp hệ thống máy nước sạch công suất lớn, cùng với bình chứa rồi bán với giá “hữu nghị” : 5.000đ/ bình. “Nếu có đóng góp người ta sẽ biết trân trọng thành quả”, cha lý giải. Với số tiền thu từ 100 bình nước bán ra mỗi ngày, cha dùng vào việc trả các chi phí, lương nhân công, tái đầu tư cho hệ thống máy móc, còn lại thì đưa vào quỹ bác ái giáo xứ.

Nước đóng thùng sẵn để bà con dễ dàng đến lấy


Nước đóng thùng sẵn để bà con dễ dàng đến lấy

Lớp trẻ cũng được cha quan tâm không kém. Mùa hè là dịp để các em nghỉ xả hơi nhưng ở thôn quê còn nhiều vất vả nên trong những ngày nghỉ, các em phải phụ gia đình làm vườn. Những giây phút giải trí hiếm hoi cũng chỉ có vài trò chơi dân dã như ô quan, nhảy dây, lò cò, đá banh… Vậy là cha tổ chức cắm trại cho thiếu nhi vui chơi. Trong những ngày trại, nhìn gương mặt hạnh phúc của mấy đứa nhỏ làm người lớn cũng thấy vui lây. Để thắt chặt thêm tình đoàn kết trong họ đạo cũng như giữa giáo dân với lương dân, vào ngày mồng 3 tết, mọi người trong và ngoài Công giáo cùng tụ họp về nhà xứ để vui Xuân. Người mổ heo, người làm gà, số khác phụ chiên xào nấu nướng để làm nên một tiệc “búp-phê” với đủ các món, đi kèm là những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn.

Và tiếp tục “thả lưới”

Để hiểu hơn về đời sống của đoàn chiên, cha thường xuyên đến thăm các gia đình. Hình ảnh nhiều giáo dân phải sống dưới những mái nhà xập xệ, hở trước trống sau, mùa mưa nước dột, mùa nắng nóng như thiêu khiến vị mục tử nhiều đêm không thể yên giấc. Mỗi lần ghé thăm, cha thường dặn dò mấy vị trong Ban hành giáo đi cùng: “Ghi lại từng hoàn cảnh để có cơ hội thì giúp cho họ”. Nhờ tháng ngày tất bật ngược xuôi đó đây để vận động nguồn tài trợ, đến nay có gần 40 gia đình được về sống dưới những căn nhà khang trang, nền lát gạch bông, thay cho những mái nhà xiêu vẹo, nền đất nứt nẻ chân chim trước đó. Trong ngôi nhà mới nằm sâu trên con đường nhỏ, anh Hoàng Văn Tuấn cười tươi: “Gác lại mối lo về nơi ở, giờ đây vợ chồng tôi có thể dồn toàn tâm để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học đàng hoàng”.

Giáo xứ Lợi Hà nằm tại ấp Lợi Hà, xã Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai. Ban đầu, Lợi Hà là một giáo họ biệt lập, thành lập tháng 12.1975, quy tụ một số gia đình từ nhiều nơi đến lập nghiệp và được linh mục Đaminh Nguyễn Đính, chánh xứ Cây Gáo quản nhiệm. Lúc đó, giáo họ chỉ có ngôi nhà nguyện nhỏ, đến năm 1980 thì dựng lên ngôi nhà thờ gỗ rộng rãi hơn. Tuy nhiên do nằm trong quy hoạch lòng hồ thủy điện Trị An nên năm 1986, nhà thờ được dời lên vị trí hiện tại. Tháng 9.1990, Lợi Hà được nâng lên hàng giáo xứ. Từ một giáo họ chỉ khoảng 100 nhân danh ban đầu, nay đã tăng lên gần 3.000 giáo hữu. Do nhà thờ chật hẹp nên mỗi lễ lớn bà con tham dự phải tràn ra ngoài đường.

Địa bàn giáo xứ như lòng chảo, nhấp nhô, gồ ghề. Ngày trước, nếu muốn đi từ bên này qua bên kia, bà con phải sử dụng đường vòng, còn những đường xuyên ngang đều nhỏ hẹp, chỉ đủ khoảng trống cho một chiếc xe gắn máy, hơn nữa đường núi dốc, đá lởm chởm, có chỗ lại trũng sâu gần cả mét. Ngoài ra, việc vận chuyển nông sản của bà con cũng quá nhiêu khê. Trước hoàn cảnh này, cha đứng ra kêu gọi mọi người hiến đất để mở đường. Thấy công việc hợp tình hợp lý, các gia đình Công giáo lẫn không Công giáo đều hồ hởi, sẵn sàng chặt bỏ đi nhiều gốc tiêu, gốc điều để làm đường. Sau đó, cha thuê xe đào đá tảng và bạt những con dốc cao rồi đổ đá, trải đất cho bà con thuận tiện đi lại. Sau hơn hai năm, đến nay nhiều con đường lớn nhỏ đã hoàn thành, với tổng chiều dài gần chục cây số, thông từ khu này qua xóm kia. “Dù vẫn còn là đường đất nhưng với chúng tôi như vậy đã quá tốt. Giờ ra khỏi ấp không còn phải đi vòng xa xôi, con em đi học gần hơn, vận chuyển nông sản dễ dàng, đến nhà thờ cũng thuận tiện hẳn”, ông Đinh Ngọc Lễ, giáo dân Lợi Hà phấn khởi khoe.

Phụ trách một xứ đạo vùng nông nghiệp, cha thấy mình cần phải có trách nhiệm hướng giáo dân ý thức về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vì tình trạng heo tăng trọng, trái cây ngâm thuốc, thủy sản ướp urê… hiện nay đã tràn lan khắp nơi. Trong nhiều bài giảng huấn hay những buổi gặp gỡ giáo dân, cha thường khuyên giáo dân trồng chuối, nuôi heo, nuôi gà phải tuân thủ các tiêu chuẩn sạch, xanh, an toàn vì đó là lẽ công bằng. Cha cũng đang ưu tư để tìm đầu ra cho nông sản của bà con, nhất là với cây chuối, bởi giá cả luôn bấp bênh… Khi dấn thân trong các công việc bác ái xã hội, cha tâm niệm: “Mỗi khi mình làm một việc có ích, niềm vui sẽ được nhân lên nhiều lần”.

Các con đường được san bằng và mở rộng giúp việc đi lại của bà con dễ dàng


Các con đường được san bằng và mở rộng giúp việc đi lại của bà con dễ dàng

Về lâu dài, ước mơ của cha, cũng là mong mỏi lớn nhất của giáo dân Lợi Hà là xây dựng lại ngôi nhà thờ mới, thay cho ngôi nhà thờ xiêu vẹo hiện nay - toàn bằng gỗ ghép, nhiều nơi bong tróc, các cột đỡ không còn cây nào nguyên vẹn. Do nhà thờ hở trước trống sau, dù đã được gia cố nhiều lần, nên nhiều khi đang lễ, mọi người phải căng bạt để che mưa, tránh nắng.

Chúng tôi rời Lợi Hà trên những con đường đất thông thoáng, gặp mấy đứa nhỏ đi học về thấy cha liền cúi chào lễ phép, đáp lại là một cái gật đầu và một nụ cười ấm áp của vị mục tử thân thiện với đoàn chiên…

ĐÌNH QUÝ


Nguồn: www.cgvdt.vn